Sau chuỗi giảm liên tục 5 tháng, tình hình giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có chút khởi sắc trở lại với mức tăng nhẹ 0.5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt mức 10,02 tỷ USD. Hãy cùng VFM số này tìm hiểu chi tiết thêm bạn nhé!
Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định mức tăng còn nhẹ, tuy nhiên đây là một điều đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ suy thoái, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ước đạt 13,43 tỷ USD, tính đến ngày 20/6/2023. Tổng số vốn đăng ký vẫn giảm nhưng đang trên đà tiến lên so với các tháng trước.
Trong tổng vốn đăng ký, có 1.293 dự án mới được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng gần 72% so với cùng kỳ. Song song với đó, có 632 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,93 tỷ USD.
Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 70,4% số dự án mới, nhưng chỉ chiếm 2,5% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng. Các dự án đầu tư mới vẫn phân bổ tại những thành phố có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nhân lực ổn định và năng nổ tham gia vào quá trình xúc tiến đầu tư, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai,…
Các nhà đầu tư nước ngoài chính chính hầu hết vẫn đến từ châu Á.
6 đối tác gồm Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan chiếm khoảng 76% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu 2023, dẫn đầu là Singapore với hơn 3 tỷ USD.
Trong nửa đầu năm nay, nguồn vốn FDI rót vào 18 trên tổng 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 8,46 tỷ USD, tương đương 63% tổng số, ngành hoạt động tài chính – ngân hàng đứng thứ hai, đạt 1,53 tỷ USD và chiếm khoảng 11,5%. Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 1,53 tỷ USD và hơn 630,6 triệu USD.
Tham khảo: VnEconomy