Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2022, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua cơn “sóng thần” hay lại chuẩn bị lao thêm một con dốc nữa? Hãy cùng chuyên mục VFM số này tổng kết thị trường chứng khoán nửa đầu 2023 để đưa ra những quyết định phù hợp vào 6 tháng còn lại bạn nhé!
Chỉ số VN-Index tăng đáng kể, nhưng nhà đầu tư vẫn không nên kỳ vọng quá cao
Thị trường Chứng khoán hồi phục đáng kể sau động thái bốn lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. VN-Index, chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam, đã trải qua giai đoạn tăng trưởng tích cực, vượt qua nhiều mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, dòng vốn vẫn đang “mắc kẹt” ở kênh tiết kiệm, thay vì chảy sang kênh chứng khoán. Việc giảm lãi suất của NHNN tác động tích cực đến lĩnh vực chứng khoán, tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, do vậy các nhà đầu tư vẫn nên dè chừng.
Thị trường Chứng khoán ghi nhận sự quay trở lại của các nhà đầu tư mạo hiểm
NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ, điều đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia lại vào thị trường, đặc biệt là những người ưa mạo hiểm. Sau khoảng thời gian 2022 trú ẩn trong kênh tiết kiệm, các nhà đầu tư lướt sóng đã chuyển dòng tiền sang kênh chứng khoán.
Về cơ bản, thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc phần lớn vào dòng tiền cá nhân, vì thế nên ở cuối năm 2023 thị trường sẽ chứng kiến một sự biến động đáng kể.
Chứng khoán Việt Nam đang được định giá rẻ
Trong 2023, kinh tế được dự đoán sẽ trên đà tăng tốc do lãi suất ngân hàng giảm. Lạm phát được giữ ở mức ổn định, chính vì vậy mục tiêu chính của Chính phủ sẽ là tăng trưởng GDP.
Định giá P/E dự phóng của chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức cực kỳ thấp. Thị trường chứng khoán đang có rất nhiều cổ phiếu ở mức giá rẻ và lãi suất thấp, kết hợp với việc kinh tế đang dần hồi phục sẽ khuyến khích các nhà đầu tư quay lại mua cổ phiếu.
Những con số tích cực
Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.745 tài khoản chứng khoán trong tháng 5 vừa qua. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức mở mới 121 tài khoản, còn lại là nhà đầu tư cá nhân mở mới 104.624 tài khoản. Con số này gấp 5 lần so với tháng 4 vừa qua và quay trở lại tương đương với thời điểm cuối tháng 12/2022. Lũy kế đến cuối tháng năm, số lượng tài khoản giao dịch trong nước là hơn 7,01 triệu tài khoản trong đó số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 7 triệu tài khoản còn lại là của nhà đầu tư tổ chức hơn 15.000 tài khoản.
Những hạn chế còn tồn đọng
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy đang trên đà hồi phục nhưng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, các nhà đầu tư có tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ dẫn đến giao dịch trên thị trường chứng khoán về cơ bản không ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư cá nhân.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, hiểu biết về thị trường, dẫn đến việc mua bán theo tin đồn.
Các sản phẩm trên thị trường, dù đã có thêm các sản phẩm mới nhưng vẫn chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là chứng khoán cơ sở, các sản phẩm chứng khoán phái sinh còn hạn chế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực. Trước tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế lớn, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước có xu hướng chậm lại. Đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Tham khảo: VnEconomy, eMagazine